BDK - Những năm gần đây, sở hữu trí tuệ (SHTT) đã trở thành công cụ mang tính chiến lược để các địa phương thực hiện mục tiêu nâng cao danh tiếng, chất lượng và giá trị sản phẩm, cải thiện đời sống kinh tế - xã hội. Không nằm ngoài xu thế đó, tỉnh đã phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai đề tài: “Xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý (CDĐL) Bến Tre dùng cho sản phẩm xoài tứ quý và nhãn hiệu chứng nhận cho biểu trưng của CDĐL xoài tứ quý tỉnh Bến Tre”.
Tận dụng lợi thế về điều kiện tự nhiên
Khu vực 3 huyện biển tỉnh là vùng đất giồng cát ven biển, có khí hậu mang tính chất đặc trưng nhiệt đới gió mùa với nền nhiệt cao đều quanh năm, ánh sáng dồi dào, lượng mưa khá lớn và phân bố theo mùa. Đây là điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp theo hướng thâm canh, đặc biệt là cây xoài tứ quý.
Tuyên truyền, năm 1982, một nông dân ở ấp Phú Đa, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách đã lai tạo thành công giống xoài tứ quý. Từ nguồn gen này, giống xoài tứ quý đã được trồng nhân rộng tại các địa phương của tỉnh nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Sản phẩm xoài tứ quý Bến Tre được thị trường trong nước ưa chuộng và tiêu dùng. Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, xoài tứ quý được tiêu dùng dưới dạng quả xanh, trên 2/3 sản lượng xoài tứ quý Bến Tre được tiêu thụ ở các tỉnh phía Bắc dưới dạng quả chín.
Xoài tứ quý Bến Tre có những đặc thù khác biệt so với xoài tứ quý trồng ở các vùng khác. Trái xoài tứ quý xanh có thịt trái giòn, ít xơ, vị ngọt chua, xen lẫn vị mặn nhẹ và mùi thơm nhẹ. Khi chín ít xơ, có vị ngọt đậm và mặn nhẹ. Ngoài ra, trái xoài tứ quý Bến Tre chín còn có mùi thơm mạnh, hơi hắc và hàm lượng Sodium (Na) ở mức 1,58 - 2,02%. Thực tiễn canh tác cho thấy vùng đất giồng cát ven biển Bến Tre có đầy đủ các yếu tố về đất đai, nguồn nước, khí hậu, kỹ thuật chăm sóc phù hợp sự phát triển, sinh trưởng của giống xoài tứ quý.
Xây dựng nhãn hiệu mang chỉ dẫn địa lý
Nhận thấy tiềm năng, cũng như mong muốn khai thác tối đa lợi thế, giá trị kinh tế của sản phẩm xoài tứ quý, Sở Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ UBND huyện Thạnh Phú đăng ký thành công nhãn hiệu chứng nhận xoài tứ quý Thạnh Phú. Tuy nhiên, nhãn hiệu chứng nhận sau khi được tạo lập đã bộc lộ điểm hạn chế là chỉ có các nông dân trên địa bàn Thạnh Phú mới được sử dụng nhãn hiệu này. Điều đó làm hạn chế quyền được tham gia sử dụng nhãn hiệu của những nông dân và cơ sở kinh doanh khác trên địa bàn 3 huyện ven biển của Bến Tre: Thạnh Phú, Ba Tri và Bình Đại đều có khu vực địa lý tương đồng.
Trước bất cập đó, năm 2020, UBND tỉnh đã cho phép triển khai đề tài nói trên, sau đó, UBND tỉnh giao Sở Khoa học và Công nghệ đứng tên đăng ký, quản lý sử dụng nhãn hiệu mang CDĐL Bến Tre cho sản phẩm xoài tứ quý tỉnh Bến Tre với mục tiêu nâng cao danh tiếng, chất lượng, giá trị sản phẩm xoài tứ quý của Bến Tre; đồng thời đưa nhãn hiệu “Xoài tứ quý Bến Tre” trở thành tài sản chung của cộng đồng sản xuất, kinh doanh xoài tứ quý của tỉnh.
Sau quá trình kiểm tra hồ sơ đăng ký và thẩm định các điều kiện bảo hộ, ngày 10-11-2022, Cục SHTT đã có Quyết định số 5371/QĐ-SHTT về việc cấp văn bằng số 00124, chính thức bảo hộ quyền SHTT đối với nhãn hiệu mang CDĐL Bến Tre cho sản phẩm xoài tứ quý.
Bên cạnh văn bằng bảo hộ nhãn hiệu được cấp, hệ thống văn bản, biểu mẫu quản lý sử dụng và hệ thống nhận diện nhãn hiệu mang CDĐL đã được xây dựng và đang được Sở Khoa học và Công nghệ phê duyệt để triển khai sử dụng trên thực tế, tạo cơ sở để nhãn hiệu mang CDĐL Bến Tre cho sản phẩm xoài tứ quý sau khi được bảo hộ sẽ được sử dụng một cách đồng bộ và hiệu quả trên thực tế.
Khu vực địa lý: các xã Thạnh Phong, Giao Thạnh, Thạnh Hải thuộc huyện Thạnh Phú; các xã Thạnh Phước, Thới Thuận, Thừa Đức, Đại Hòa Lộc, Bình Thới thuộc huyện Bình Đại; xã Tân Mỹ thuộc huyện Ba Tri.
Xoài tứ quý là CDĐL thứ 6 của tỉnh nhà đã được bảo hộ sau 5 CDĐL: dừa xiêm xanh uống nước, bưởi da xanh, sầu riêng, tôm càng xanh và cua biển.
nguồn: tại đây